XIN LỖI CON (sưu tầm)
Trong cuộc sống thường ngày, không phải lúc nào hành vi đối xử của ông bà, cha mẹ với trẻ chưa thành niên cũng đúng cả, đó là sự thật, gia đình nào cũng thường phạm phải. Tuy nhiên, sau những cử chỉ hoặc lời nói “ quá đáng” với con, với cháu trong nhà thì không phải ông bà, bố mẹ nào cũng đưa ra được một lời xin lỗi con hay cháu đúng lúc và đúng mức. Người lớn thường tự cho mình cái quyền “ ăn hiếp” trẻ con vô lý như thế. Đấy là điều hoàn toàn không nên. Hơn ai hết, lứa tuổi chưa thành niên là trong sáng và vô tư nhất, càng nhỏ tuổi bao nhiêu thì sự trong sáng và vô tư càng sâu đậm bấy nhiêu. Đó là bản chất của con trẻ. Do vậy, khi một đứa trẻ bị mắng oan, bị chửi bới, đánh đập vô lý thì chúng sẽ cảm thấy uất ức và đau khổ tột cùng. Rất nhiều ông bố và bà mẹ ( đặc biệt là những gia đình lam lũ quanh năm suốt đời, trình độ văn hóa và sự hiểu biết mọi mặt đều thấp) đã quen với nếp nghĩ rằng, đối với con cái thì dù có mắng quá lên một chút, nói quá lên một chút, đánh đòn “dự phòng” cũng chẳng sao cả. Đó là điều thật tệ hại trong việc nuôi dạy con cái. Trái lại, muốn nuôi dạy con cái nên người, đàng hoàng tử tế sau này, thì nhất thiết các bậc phụ huynh phải luôn luôn ý thức tôn trọng con cái đúng mức – cho dù chúng còn ít tuổi và nhỏ bé đến nhường nào. Việc người lớn nói chung và bố mẹ nói riêng, xin lỗi con trẻ phải được xem như việc hết sức tự nhiên và bình thường – nếu như quả thật bố mẹ đã có lỗi với con cái của mình trong một hành vi ứng xử nào đó. Việc xin lỗi con cái, khi con cái đáng được nhận những lời xin lỗi từ bố hoặc mẹ sẽ làm cho mối quan hệ trong gia đình giữa bố mẹ và con cái luôn được cởi mở, thân thiện và mềm mại; nó góp phần tạo nên một không khí văn minh, dân chủ và đầm ấm trong gia đình. Xin lỗi con trong trường hợp cần thiết cũng là một cách hòa giải tất cả những vướng mắc, những mâu thuẫn thường có giữa con cái với cha mẹ trong các gia đình. Chúng ta không nên nghĩ rằng, là cha mẹ thì bao giờ mình cũng đúng, hoặc là cha mẹ thì chẳng việc gì phải xin lỗi con cái cả. đó là cách nghĩ của những đầu óc quá ư độc tài, thiển cận, không xứng với người lớn. Một lời xin lỗi đúng lúc và đúng mức cũng có tác dụng như một nhĩa cử cao đẹp trước mắt con cái, là tấm gương sáng cho chúng noi theo. Biết xin lỗi, không có nghĩa là xấu xa hay hèn kém đi trước mắt các con. Trái lại, không biết đưa ra những lời xin lỗi thỏa đáng trước các con của mình khi mình có lỗi với chúng- điều đó mới làm hèn kém và nhỏ bé đi trong mắt những đứa con đang độ tuổi trưởng thành. ( Theo sổ tay công đoàn, Nhà Xuất Bản Hà Nội 2004.) |
Công Đoàn >