Trang Chủ‎ > ‎CLB Văn Học‎ > ‎

TẢN VĂN

VÌ TỔ QUỐC CÒN CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẦY.

đăng 03:36 13 thg 10, 2019 bởi Giáo viên: Lê Phước Dương   [ đã cập nhật 18:15 19 thg 10, 2019 ]

(Bài dự thi viết về ngôi trường mến yêu và thầy, cô giáo năm 2019. Do Bộ GD & ĐT tổ chức.)
Tác giả: Lê Phước Dương.

“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi…”, lời bài hát trầm lắng, khắc khoải đưa tôi về với những miền kí ức xa xưa, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Xa quê đã ba mươi mấy năm rồi, giữa bộn bề lo toan và nhịp đập cuộc sống có lúc khiến tôi như chẳng đủ thời gian để nhớ về miền quê rát bỏng, nhớ về THẦY… Chiều nay, lời bài hát  cất lên từ căn phòng cô tổng phụ trách, giai điệu nhẹ nhàng như một vệt nắng cuối trời chạm vào nỗi nhớ miên man. Bao nhiêu là kỉ niệm quay quắt ùa về nguyên vẹn trong tim.

   Tuổi thơ tôi lớn lên nơi miền quê nghèo khó, ven con sông Nhồng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, ba mươi mấy nóc nhà chụm đầu nương tựa vào nhau chở che đi qua những tháng năm cheo leo, đăng đẳng. Ngày đó, lũ trẻ chúng tôi lớn lên bằng khoai, sắn và nước lả có đứa bảy tuổi, tám tuổi rồi mà vẫn chưa được đến trường, vì ngại xa … Rồi một ngày kia, tôi còn nhớ đó là năm 1983 lúc đó, tôi vừa lên sáu, có một chú bồ đội cụt hai chân đi bằng nạng gổ tự nhiên xuất hiện ở đình làng. Ông trưởng thôn trịnh trọng nói với bà con là Đảng và nhà nước cử chú Đới về đây dạy chữ cho bà con ta. Tôi chả biết gì và cũng chẳng quan tâm lắm, dù sao thì đi chăn trâu vẫn thích hơn là đi học nhưng các cô các bác trong làng thì không như vậy, họ vổ tay đen đét trước lời nói của ông trưởng. Thế đấy, bọn trẻ chúng tôi bước vào lớp một trong  căn phòng tuền toàng mái tranh vách đất. Bàn ghế được làm tạm bằng tre, nứa và ván củ. sáu tuổi, bảy tuổi, thậm chí chín – mười tuổi cũng lớp một  luôn. Thầy Đới bảo: các em thật vinh dự khi trở thành các công dân đầu tiên của làng được đến trường trên chính làng quê của mình. Chúng tôi được thầy phát mỗi đứa một cuốn vở màu nâu sòng và cây bút chì nhỏ với lời dặn dò “Đảng trao cho em món quà nhỏ ngày hôm nay để các em xây dựng một tâm hồn lớn ngày mai”

    Bài học đầu tiên của chúng tôi là một câu chuyện đời thực mà trong đó có bóng  dáng của thầy. Thầy chống nạng đi qua đi lại và say sưa kể với niềm tin mảnh liệt. “Các em ạ, Khi thầy trò chúng ta đang ngồi đây ngắm đồng lúa thanh bình và những cánh cò bay khoan thai trên đồng ruộng thì ở chiến trường Cam Pu Chia và miền Tây Bắc của tổ quốc thiêng liêng có rất, rất nhiều người lính đã âm thầm ngã xuống để làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ non sông đất nước.” Thầy ép thân mình vào chiếc bàn tre tìm điểm tựa, sau đó giơ một chiếc nạng lên trời như như người lính giơ cao khẩu súng trước giờ xuất trận rồi hô to: “Việt Nam muôn năm! Việt Nam chiến thắng! ” Nào! Các em hô đi, hô to lên đi! Hô theo thầy nào! Chúng tôi không hiểu gì cả nhưng ai nấy sợ thầy buồn đều cố hô to theo thầy làm cho ngôi trường của mình rung lên trong cái nắng và gió lào của rẽo đất Miền Trung khắc nghiêt. Sau đó, tôi thấy thầy lảo đảo ngồi xuống chiếc ghế tre, tựa cặp nạng vào vách đất, hai tay nắm chặt, đôi mắt ánh lên nét tinh anh như huy động sức mạnh còn lại của một người lính bị thương nhưng kiên quyết dành chiến thắng… Thầy đang nghỉ điều gì đó rất xa xôi.

   Rồi thầy dạy chúng tôi tập viết, tập đọc. Thầy nắn nót ghi lên bảng một dòng chữ thật to và nói:

-  Các em thân mến! đây là dòng chữ Việt Nam là tên đất nước của chúng ta, để có được cái tên yêu dấu này hàng ngàn năm qua nhân dân ta đã anh hùng giữ gìn và bảo vệ hai tiếng thiêng liếng ấy. Thầy lại chỉ vào cái chữ kế cuối cùng và bảo đó là chữ a, một nguyên âm đứng đầu trong bảng chữ cái, chúng ta sẽ bắt đầu tập viết,  tập đọc với kí tự này.

   Thời gian cứ êm đềm trôi đi, bằng sự tận tâm của một người thầy và tinh thần quyết thắng của một người lính thầy đã cho lũ trẻ chúng tôi biết đọc biết viết biết tính những phép toán đơn giản nhưng điều mà thầy tâm đắc nhất không phải chúng tôi đọc, viết lưu loát hay làm những phép tính cỏn con mà là tình yêu quê hương mà thầy đọng vào trong tâm hồn chúng tôi, chúng tôi biết yêu cái mương nước chảy qua đám ruộng khô cằn, yêu đám rạ xác xơ chiều chiều nhóm bếp, từ khi có thầy cái làng quê nghèo nàn của tôi lại đáng yêu và gần gủi biết bao trong mỗi tâm hồn ngây thơ ! Thầy thường nói với chúng tôi, khi các em có được tình yêu quê hương nó sẽ thổi bùng lên tình yêu lớn hơn, đến mười năm sau, tôi mới hiểu tình yêu lớn kia là tình yêu đất nước. Mỗi lần nói câu đó thầy đều cười rất tươi. Cô bác trong làng dựng cho thầy căn phòng nhỏ bên trường để thầy đở vất vả khi đi lại, còn bọn trẻ chúng tôi đi bắt cá, ốc thậm chí cả rùa và ba ba và rắn nước ngoài đồng để thầy chế biến món ăn. Thức ăn thì nhiều nhưng chỉ có ăn kèm với sắn, khoai, dù vậy, đứa nào cũng vui như  mở hội trong lòng.

    Khi chúng tôi lên lớp hai, Thầy Đới vẫn dạy, thầy bảo chừng nào chưa hết chữ trong bụng thầy thì thầy vẫn dạy cho chúng tôi. Năm đó rất nhiều đứa đã phải ngừng học để ở nhà làm việc, thầy buồn nhưng không nói gì cả, nhìn thầy đăm chiêu nghĩ ngợi, mái tóc bù xù phủ lấy khuôn mặt xương xẩu, chúng tôi thương thầy lắm. Hôm đó, học môn đạo đức thầy gấp cuốn sách lại, khuôn mặt nghiêm nghị, thầy dỏng dạc:

  - Các con của thầy, hãy cố gắng, đừng bỏ học, chỉ một vài năm nữa thôi, khi chúng ta dành thắng lợi hoàn toàn, Đảng, nhà nước sẽ xây những ngôi trường khang trang, sạch đẹp cho các con đền đó học hành, vui chơi. Các con sẽ có những cuốn tập thật là mới và quần áo, thậm chí là xe đạp nữa cơ đấy. Bác Hồ đã nói rồi, nhất định mai này chúng ta sẽ dựng xây một đất nước to đẹp và đàng hoàng  rồi các con sẽ là những công dân Việt Nam hạnh phúc. Chúng tôi đứa nào cũng mắt tròn xoe vì thích thú cụm từ xe đạp của thầy.

   Vết thương chiến trường Cam Pu Chia của thầy lại tái phát, mẹ tôi bảo: có những mảnh đạn gim trên người thầy chưa được lấy ra, chắc thầy mày đau lắm! Có những hôm người làng phải bỏ thầy lên vỏng và khiêng thầy vào mãi bệnh viện huyện xa lắc, những hôm đó, ngôi trường đìu hiu, vắng lặng, lũ chúng tôi ngồi một đống thẫn thờ chờ thầy về.

    Rồi người ta thông báo thầy Đới đã qua đời, chúng tôi khóc hết nước mắt, họ đưa thầy về quê. Tôi chỉ biết là tận tít ngoài Bắc mà không biết ở tỉnh nào. Khi thầy đi rồi chúng tôi phải nghỉ học liền hai tuần vì không có giáo viên thay thế.

   Chúng tôi lại tiếp tục đến trường khi có giáo viên mới về thay, nhóm chúng tôi có tám đứa, đã hứa với nhau sẽ theo đuổi con đường học hành như lời thầy dặn, sẽ làm một người công dân mến yêu quê và có trách nhiệm với tổ quốc.

   Mà lời thầy nói là đúng thật, chỉ một vài năm sau thôi, năm 1987. Tôi vào lớp 5 trong ngôi trường ngói mới đỏ hồng, miền quê của tôi đã cũng được no cơm, ấm áo, mẹ tôi bán hai con bò để mua cho cha tôi một chiếc xe đạp phượng hoàng đen óng, bọn tôi càng nghỉ càng phục thầy và càng quyết tâm hơn.

   Bây giờ, lũ chúng tôi đã khôn lớn, trưởng thành, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, được thực hiện những đam mê  khát vọng của mình, tất cả đều nhờ thầy. Nhìn lại đất nước Việt Nam chúng ta, đúng như lời thầy nói, một dải Bắc – Nam, dù mới thoát ra khỏi cuộc chiến mấy chục năm nhưng đã dựng xây được một quốc gia phồn thịnh, hơn thế nữa là cũng cố được tinh thần yêu nước và khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Tôi nghỉ rằng: để làm được điều này vì tổ quốc còn có những người  như thầy.

                                                     Lê Phước Dương. Giáo viên trường THCS

                                                         Hòa Hiệp – Xuyên Mộc – BR – VT.

Chưa có tiêu đề

đăng 07:53 14 thg 6, 2018 bởi Giáo viên: Lê Phước Dương

Bút kí: Lê Phước Dương.

BÀI DỰ THI GƯƠNG ĐIỂN HÌNH,TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT.

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS HÒA HIỆP-XUYÊN MỘC – BR - VT

NGƯỜI DỰ THI: LÊ PHƯỚC DƯƠNG.

 

0o0

 

CON TIM EM LÀ ĐỐM LỬA HỒNG


 

 

 

   Trong hồi tưởng của tôi vẫn miên man còn đó một miền kí ức về em, cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc về “Bạch hoàng tử” Tự nhiên,  bao nhiêu giông tố cuộc  đời chợt tan biến để hở ra một vùng trời bình yên. “Con người có thể vượt qua định mệnh trừ khi họ không muốn” Những dòng tâm sự chôn chặt dưới đáy lòng tôi về một tấm gương vượt lên số phận, đó là em : Nguyễn Quốc Hiệu. Cựu học sinh trường thcs Hòa Hiệp – Xuyên Mộc – BR – VT.

 

 

   Tháng 6 mang những cơn mưa đầu mùa phủ trắng một miền quê khao khát, con đường dẫn đến nhà em vẫn hệt như xưa, ổ gà, ổ vịt tụ đầy nước mưa pha lẫn cái màu tình người đất đỏ. Vẫn căn nhà gỗ xập xệ bé tí teo nằm im lìm dưới gốc si già nua tuổi. Và em vẫn thế, trắng tinh từ chân đến đầu , đôi mắt lim dim khép dù ngày không chút ánh dương. Cuộc đời thật lạ... Mỗi người chúng ta sống đều trải qua không ít những vui, buồn, hạnh phúc và đau khổ. Thuận lợi và khó khăn trong cuộc đời với một hành trình và số phận riêng nhưng chúng ta đều có chung một quan điểm là khát khao được sống.

  Gian nan từ thủa lọt lòng.

   Nguyễn Quốc Hiệu là con út trong gia đình có bốn chị em. Hiện đang sống ở tổ 4, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR – VT, bố mẹ là nông dân "rặc" nhưng không có nổi một tấc đất để canh tác, ước muốn có mụn con trai để “Nối dõi tông đường” là lí do khiến bố, mẹ Hiệu gắng gương sinh thêm lần nữa... Giọng chị nghẹn ngào! “Lúc cháu sinh ra, vợ chồng tôi như chết lặng đi trước hình hài của cháu. Nhỏ bé và trắng tinh như một con chuột bạch, các bác sĩ bảo: "cháu bị bệnh bạch tạng, một chứng bệnh nan y, cần phải có phép màu…" Thú thực, vợ chồng chúng tôi sợ đến nỗi không dám thở. Đó là năm 2000, khoảng thời gian khó khăn chồng chất khó khăn”.  Tạo hóa cũng thật trêu ngươi  . Nó tạo nên bao nhiêu cái đẹp, có những cái đẹp bất ngờ đến ngỡ ngàng. Khi nghĩ đến đá sỏi khô cằn, hẳn như một phản xạ tự nhiên, bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ đến sự chết chóc, khô héo, cùng kiệt  và tàn lụi. Nhưng trong những cái mong manh đó  tạo hóa vẫn tìm ra cái đẹp, tạo ra cái đẹp lặng im tỏa sáng đầy sức sống và kiêu hãnh, như những chùm hoa trên đá. Trên đời này không có cái gì là không thể.

   Giấc mơ đến trường.

   Năm lên 6 tuổi, trẻ em trong xóm được bố mẹ dắt tay nườm nượp đến trường, Hiệu vì thể trạng yếu ớt đành phải ở nhà ngày ngày nghe bạn ê a đọc bài mà cu cậu lòng sôi như lửa cứ nằng nặc đòi mẹ đưa đến trường cho bằng được. Phải dỗ dành lắm cu cậu mới nín khóc. Bảy tuổi Hiệu vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm chỉ biết lắc đầu, cuối cùng cô cũng  nhận cho phụ huynh vui và làm tròn trách nhiệm của một người làm công tác trồng người . Mặc dù không thấy được chữ trên bảng nhưng  Hiệu giống như có đèn thắp sáng trong bụng, cô giảng đến đâu trò hiểu đến đó lại thêm cái đức tính hiếu học nên liên tù tì chín năm, từ bậc tiểu học đến hết THCS  Hiệu là học sinh xuất sắc nhất trường. Riêng năm học lớp 8 và lớp 9 Hiệu đạt giải nhất môn ngữ văn toàn huyện giải ba cấp tỉnh mang về niềm vinh dự lớn cho trường THCS Hòa Hiệp. Có thể nói rằng :em là tấm gương sáng nhất trong những tấm gương sáng, tạo niềm động lực cho các học sinh có số phận đặc bit vượt lên chính mình. Bước vào THPT Nguyễn Quốc Hiệu vẫn phát huy được năng lực sở trường, em luôn là nhân tố  trong thi đua và học tập của trường THPT Hòa Hội. Năm 2017 – 2018 em lại đạt giải ba môn văn cấp tỉnh, nhìn tấm bằng khen treo ngay ngắn trên vách gổ, tôi đùa. “Sao huy chương đồng mãi thế, thay đổi màu sắc nó đi? Em cười đôn hậu và hóm hỉnh, em cố rồi, có lẽ duyên em chỉ đến thế thầy ơi! ” Ừ, duyên nhiêu đó thôi cũng đủ lắm rồi, em biết không, bên cạnh những con người như em, vẫn tồn tại không ít những người dù sống trong môi trường tốt đẹp, là những loài cây được chăm sóc chở che trên mảnh đất màu mỡ mà vẫn không bao giờ biết nở hoa thậm chí còn héo rũ và chết, cũng có những cây phát triển tốt trong môi trường đó nhưng chỉ cần chịu nắng, phơi sương, một chút điều kiên khó khăn là chết rũ, không còn sức sống. Đó là những con người đáng trách nhưng cũng thật đáng thương hại, những số phận không cảm nhận được sự may mắn của mình, không tận dụng được nó, họ yếu ớt, hèn nhát, và không có nghị lực, không có tương lai. Thầy xin trích lại bài thơ bé bỏng của em đăng trên Thơ Haiku – NXB văn học nghệ thuật 2017. Như một lời tri ân.

                                                     Sao trên cao

                                                     Con đom đóm nhỏ

                                                     Một ánh sao rơi.

                                                                    Nguyễn Quốc Hiệu (BRVT)


   Muốn làm thi sĩ.

   Con người thật bất hạnh khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu trong cuộc sống, nhưng sẽ bất hạnh hơn nếu như chúng ta thôi không cố gắng. Cũng như cây hoa dại kia rễ của nó đã đâm sâu dưới đất sỏi đá khô cằn nhằm tìm nguồn nước dẫu ít ỏi để tiếp tục tồn tại mà nở những chùm hoa đẹp. Có lẽ đó là lí do để tôi bước vào vườn thơ của em. Chao ôi! Rộng quá, những triền thơ rung rinh chạy xa tít chân trời, lời thơ trong veo, ý thơ nhuần nhị nữa còn ngập ngừng, e ấp nữa như muốn cháy hết một tâm hồn bay bổng. Tất cả đều chan chứa và ăm ắp tình người. Tôi chợt hiểu trong thời đại hôm nay, hầu như tất cả các học sinh không mặn mà gì với bộ môn ngữ văn thì em vẫn quấn quýt với nó như là hình với bóng. Đơn giản vì em không nhìn đời qua ánh mắt như bao học sinh khác mà nhìn qua lăng kính trái tim và tâm hồn. Thế giới muôn màu khe khẽ  chạm khắc vào sâu thẳm bên trong để rồi bùng lên bao khát vọng và ý niệm về cuộc sống. Hóa ra, bấy lâu nay tôi dạy văn mà sượng sùng đơn điệu đến vậy sao? Hèn gì học sinh không yêu văn chương là phải. Tôi quay sang hỏi em. “Em có dự định gì cho tương lai chưa?” Vẫn là nụ cười ấy, ánh mắt ấy. “Thưa thầy, trứơc mắt em còn một năm nữa để hoàn thành chương trình học . Hết THPT em sẽ thi vào khoa văn Trường ĐHKHXH &NV. Ra trường sẽ thử sức ở tòa soạn hoặc tạp chí văn học nào đó.” Ước mơ thật chính đáng và nó hoàn toàn phù hợp với một thế giới tâm hồn đa sầu đa cảm như em. Chẳng phải trong bài thơ “Con cò” Chế Lan Viên cũng chung nỗi niềm như em hay sao!

                                                   Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

                                                   Con làm gì?

                                                   Con làm thi sĩ

                                                   Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

                                                   Trước hiên nhà

                                                   Và trong hơi mát câu văn…

  Ừ thì làm thi sĩ, dù hơi khổ đấy, nhưng em sẽ có khoảng trời để viết tiếp về  mình, về sự hi sinh lớn lao của bố, mẹ , gia đình, thầy cô, bè bạn và hơn nữa là viết tiếp về bài ca cuộc đời như em từng ao ước. Thầy tin em làm được vì trong tim em có đốm lửa hồng.

   Nếu người ta gọi Nick Vujici  là Sọ Dừa thế kỷ XXI thì thầy cũng sẽ gọi em bẳng cái tên đáng yêu và trìu mến hơn “Đôn – ki –hô – tê xứ Bưng Kè” . Em xứng đáng được gọi tên là con người mới là tuổi trẻ trong thời đại mới thời đại HỒ CHÍ MINH.

                                                                                       HH - 08  - 06 – 18.

                                                                                         Lê Phước Dương.

 

 

 

 

  

 

  

 

 

Mùa hoa muộn màng.

đăng 14:36 4 thg 12, 2017 bởi Giáo viên: Lê Phước Dương

Dương Móp.



Thông tin về việc sắp sửa thay đổi chính sách tiền lương cho giáo viên trong Dự thảo sửa đổi một số vấn đề của luật Giáo dục theo hướng chú trọng nâng cao đời sống của thầy cô giáo mà Bộ Giáo dục đang triển khai là một tín hiệu vui cho toàn Ngành, toàn xã hội. Theo đó, “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Những nỗ lực cải cách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên chứng tỏ rằng, các nhà hoạch định chính sách không phải không nhìn thấy thực tế bất cập trong thu nhập, đời sống của đội ngũ giáo viên hiện nay. Câu chuyện “giáo viên sống được bằng lương” chưa bao giờ thôi xuất hiện trên các mặt báo với những lo âu nặng trĩu, như một nan đề toán học chưa có đáp án. Với cái nhìn của một người trong cuộc, tôi thấy rằng, việc cải cách tiền lương là cần thiết, dù đã khá muộn mằn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó vẫn chưa phải là gốc rễ để chấn hưng giáo dục nước nhà. Bởi vì, trong thực tế, nhiều năm qua, dù thu nhập thấp, đời sống thiếu ổn định, chúng tôi, những giáo viên đứng lớp cũng không vì thế mà sao nhãng với bảng đen phấn trắng. Khi lương được nâng, cao hơn một chút, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình, tất nhiên, trong tâm thế thoải mái hơn. Tiền bạc là cần thiết, nhưng chưa bao giờ là thước đo tâm huyết của nhà giáo với nghề nghiệp.
Việc nâng lương theo chính sách mới, ước tính cho thêm thu nhập bình quân chừng 1 triệu đồng/tháng đối với một giáo viên, đời sống của thầy cô đỡ chật vật hơn. Tốt lắm, nhưng chưa đủ, để chấn hưng cả nền giáo dục quốc gia, cần những chính sách vĩ mô dài hơi từ Chính phủ.
Nói dễ hiểu, làm sao để xã hội phải coi trọng tri thức, xem tri thức là thước đo giá trị của con người, thì lúc đó, người đem lại tri thức cho xã hội – giáo viên – mới được coi trọng. Muốn vậy, thì phải có cơ chế trọng dụng người có năng lực, giỏi giang, chứ không phải chạy theo bằng cấp hoặc đồng tiền. Lúc đó, vị thế của người thầy mới được nâng cao, chất lượng giáo dục mới thay đổi.
Ngoài việc “sống được bằng lương”, người thầy còn cần được đánh giá đúng vai trò, vị trí trong xã hội, chứ không đơn thuần là một “công nhân trong ngành giáo dục” cần thoát nghèo, cần đủ ăn đủ mặc.
Nói xong rồi nhìn lại thực trạng: Ngành sư phạm đang đìu hiu vì thiếu sinh viên; các ngành nghề khác như công an, quân đội thu hút thí sinh với điểm cao chót vót; trong khi hàng ngàn tỉ đồng đang được phân bổ để đào tạo hàng vạn tiến sĩ trong một môi trường bội thực về bằng cấp; du học nước ngoài vẫn là lựa chọn của nhà giàu và là ước mơ của đa số người nghèo còn lại…
Đó, vẫn là những bất cập chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Tạm Biệt Trường Xưa...

đăng 17:22 13 thg 11, 2017 bởi Giáo viên: Lê Phước Dương

Nguyễn Thị Hạnh. 9a10. Khóa 2016 - 2017.

Khi bạn cần một khoảng riêng để ngẫm ngợi cho nỗi buồn len lỏi ra khe khẽ hay cảm xúc lạ bổng thành hình, bạn sẽ tìm đến nơi chốn nào? Khoảng ban công, trong công viên hay đạp xe du ngoạn quanh đường,….với tôi, ngôi trường THCS Hòa Hiệp và những người thầy nơi đây luôn là hình ảnh mà tôi nghĩ đến những lúc tâm trạng cô đơn, trống trải.


Tôi không biết mình có thói quen đó từ bao giờ, chắc là khoảng vài tháng trước thôi_ khi mà tôi nói lời tạm biệt ngôi trường, thầy cô khép lại một hành trình và bước vào một thế giới mới.


“ Bước chân ta đi trên cát để lại dấu


Con sóng xô bờ để lại thời gian


Người thầy đi qua đời ta để lại kí ức”


Kí ức khó mà phôi pha dù năm năm, mười năm, hai mươi năm hay nhiều hơn nữa. Kí ức luôn hiện hữu trong ta, có thể buồn, có thể vui, có khi đậm nét hay mong manh nhòa nhạt nhưng chưa bao giờ biến mất. Có ai nói rằng lũ học trò khi qua sông sẽ quên người lái đò có lẽ một vài thôi chứ không phải là tất cả phải không? Một mai nào đó trong chúng ta có người lên đỉnh vinh quang, có người bình dị với phấn trắng bảng đen nhưng cũng có khi lại bằng lòng với lẽ thường nhật của cuộc sống,… Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì kí ức về người thầy vẫn luôn theo họ ngày ra trường.Với tôi, kí ức về những thầy cô_ người mà đã chắp cánh cho tôi bay đến những ước mơ, hoài bão trong suốt bốn năm qua sẽ luôn ngự trị vĩnh hằng trong lòng tôi như một điều gì đó khó có thể tìm lại được trong đời.


Từ khi là một cô bé lớp sáu chập chững bước chân vào trường, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô rất nhiều. Cuộc sống dần qua, tôi trưởng thành hơn. Mỗi bước chân tôi đi luôn có hình bóng của thầy cô. Tôi đã tìm được cho mình mái nhà thứ hai thật sự nơi này.


Thầy cô nghiêm khắc lắm! tôi còn nhớ năm lớp sáu, tôi đã bị cô giáo dạy Sinh đánh một lần chỉ vì cái tội thi học kì có 6 điểm và bị la mắng không biết bao nhiêu lần: nào là nhắc bài cho bạn để rồi phải nhận con một vào cột kiểm tra miệng, chọc phá nhau trong giờ học phù đạo và cả những lần đánh nhau cùng lũ bạn,.. Thế đấy, thời gian cứ trroi qua, những kí ức ấy giờ chỉ là hoài niệm của một thời. Giờ đây, khi trở thành nhân viên bán hàng, ở xa nhà phải ở trọ thế nhưng tôi vẫn luôn nhận được những lời, động viên chia sẻ của thầy cô. Những lúc gặp khó khăn trong môi trường mới này, tôi luôn nghĩ về mái trường cấp II. Bởi nơi đây tôi luôn cảm thấy ấm áp khi nhớ về những ngày xưa.

Ngày ấy, khi tôi thất bại thì thầy cô luôn ở bên chia sẻ với tôi. Đó có thể lời một lời khuyên, những dòng tin nhắn đầy yêu thương, hay những cái nắm tay an ủi,… Những điều ấy chừng như giản đơn nhưng nó lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều. Cảm ơn thầy cô vì tất cả. Cảm ơn thầy cô đã:


·        Dạy cho em biết yêu thương, chia sẻ với những người bất hạnh, dạy em biết đồng cảm với những trang đời trong các tác phẩm văn học.


·        Dạy cho em biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã bởi cuộc sống đâu phải là một chuỗi êm đềm, bằng phẳng mà nó có rất nhiều ngã rẽ.


·        ……..


Cứ thế thầy cô cứ bồi đắp cho tâm hồn tôi những điều tuyệt vời và kì diệu nhất của cuộc sống. Trở lại trường xưa sau năm tháng xa cách, trường có thay đổi thật đấy. Sau thời gian xa cách, những gốc phượng một thời gắn bó với tuổi thơ tôi đã bị cưa mất và thầy cô_ có những người phải chuyển đơn vị công tác và những thầy cô mới chuyển về trường để dạy. Nhưng dù trường có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì kí ức về trường, về những người chèo đò thầm lặng vẫn mãi là hình ảnh đẹp trong lòng tôi.


Nay mùa đông lại đến. mùa đông mang theo sự giá băng, tái tê lòng người nhưng sao trong lòng tôi lại khác hẳn. có lẽ, cái không khí vè ngày nhà giáo việt nam đã làm xua tan nữ hoàng mùa đông này. Thau cho những món quà, xin gửi đến tất cả các thầy cô trường THCS Hòa Hiệp  lời tri ân nhất. kính chúc các thầy cô có một mùa 20/11 vui vẻ và hạnh phúc. Em sẽ mãi nhớ trường, nhớ về thầy cô như nhũng mảnh ghép kí ức khó có thể tìm lại được trong đời… Em rất nhớ thầy cô, thật sự rất nhớ….


(Nguyễn Thị Hạnh, cựu hs lớp 9a10.)


Tản mạn mùa hiến chương trước.

đăng 05:05 25 thg 10, 2017 bởi Giáo viên: Lê Phước Dương   [ đã cập nhật 05:21 25 thg 10, 2017 ]

Lê Phước Dương.


Hòa Hiệp – Bưng Kè hiền hòa như một cô thôn nữ, chả có gì đặc sắc ngoài nắng gió và rừng hồ tiêu chạy ngút chân trời. Tất cả cái không gian xanh mượt ấy toát lên vẻ chân chất dễ mến! 

              Hôm ấy, tôi vui hơn mọi ngày! Trường tôi luôn tổ chức 20/11 chu đáo và trang trọng. Từ trường về nhà trên tay tôi là một ôm những hoa là hoa! Mà toàn là hoa đẹp! Mỗi bông hoa trong những bó hoa ấy như thể được chắt chiu từ những gì tinh túy nhất của hoa tươi được mua về từ những miền xa xôi nổi tiếng của cả nước. Học trò đang đợi tôi ở nhà! Bọn chúng đã hẹn trước với thầy là sẽ đến thăm nhân ngày 20/11 mà! Nhìn đám học sinh vừa ríu rít thưa chuyện với thầy vừa chọc ghẹo nhau vang cả nhà mà vui. Thầy giáo thì cứ tủm tỉm cười! Bọn chúng đứa nào cũng xinh tươi và ăn nói rất tự tin! Rồi thì hoa và quà! Cuộc sống của học trò tôi không giống của tôi ngày xưa. Thế nên vào ngày này hằng năm nhà tôi cứ gọi là ngập trong hoa mà toàn là những bó hoa đẹp và rất dân dã. Tôi vui thật nhiều khi nhận những tình cảm trân quý ấy của chúng nó. Gió vẫn mát lành thổi nhẹ qua những khóm tiêu ven đường ngoài kia!


               Học trò về rồi tôi loay hoay với những cánh thiệp đủ màu sắc được đính kèm trong các bó hoa mừng. Tôi như ngợp trong các loại thiệp lòe loẹt và hiện đại của học trò. Có cả những tấm thiệp phát vang vang một bài hát thịnh hành nghe rất vui tai. Tôi lại mỉm cười một mình hạnh phúc! Rồi tôi xếp tất cả vào ngăn tủ riêng dành cho những tấm thiệp mừng các loại. Bỗng nhiên có một cái thiệp trong chồng thiệp cũ rơi ra! Lâu rồi tôi không đọc nó. Tôi nhặt lên mở ra xem. Đó là một cánh thiệp được làm từ những vỏ quýt được xé nhuyễn rồi dán lên một tờ giấy tập học trò làm thành hình một cành cây đang vươn mình lớn lên. Thân của cành cây ấy được làm bằng mấy cọng lá kè. Bên cạnh là dòng chữ nắn nót: "Kính tặng thầy giáo thương nhất của con!". Vành ngoài tấm thiệp hơi lem vì keo dán mà người làm ra nó dùng để dán từng mảnh vỏ quýt khô bé xíu lên đó. Tôi nhớ lại hình ảnh của một cô bé học trò lớp học thêm trong nhà trường. Sau khi giúi vào tay tôi tấm thiệp nó mỉm cười với tôi rồi chạy nhanh đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ để kịp giúp mẹ bán nước dạo trước cổng trường...

               
            
Ngoài kia những khóm tiêu xanh vẫn hiền hòa lắc lư theo gió. Con đường vẫn rợp bóng điều mát lành. Cuộc sống vẫn hiền hòa chân chất. Trong nhà tôi những hoa hồng, hoa ly sang trọng đang tỏa hương thơm. Trên bàn là những tấm thiệp lộng lẫy, hiện đại. Và tôi suýt nữa thì quên mất tấm thiệp này - tấm thiệp lem màu keo dán với những mảnh vỏ quýt khô bé xíu và mấy cọng lá kè...

                                              

                                                         HH- 20 – 11 – 16.

 


1-5 of 5

Comments